Tăng cường công tác quản lý Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn Thành phố

26/05/2020
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Sáng 23/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ban, ngành liên quan về một số nội dung lớn trong công tác quản lý Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn Thủ đô.Cùng dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, các Phó chủ tịch UBND TP. Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nguyễn Trọng Đông, các Phó giám đốc Sở.
                                                Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển, nhất là đối với đô thị đang có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội. Trong những năm qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo, cụ thể hóa thành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng để triển khai. Thực tế, công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn là một vấn đề lớn cả trước mắt và lâu dài, liên quan đến những vấn đề dân sinh bức xúc. Do vậy, thông qua hội nghị, lãnh đạo Thành phố mong muốn các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, có giải pháp giúp Thành phố giải quyết căn cơ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững... 
Tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt đạt 30%
Báo cáo về kết công tác quản lý Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn Thành phố, Thành ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Sở đã tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành 25 chương trình, nghị quyết, kế hoạch, đề án… về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trước nhu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 03/7/2017 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết.
Sau gần 3 năm thực hiện, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố có một số chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở ngoại thành đạt 89%, nội thành đạt 100%; chất thải y tế thu gom, xử lý đạt 100%. Thành phố cũng đã tập trung xử lý ô nhiễm tại 90 hồ khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án Sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, trong đó đã hoàn thành công tác điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn thải lỏng đổ vào lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. 
Đặc biệt, Thành phố đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, với tổng công suất 296.700 m3/ngày đêm, xử lý khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh của Thành phố. Ngoài ra, có 9/9 khu công nghiệp và 26/43 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân và 26/28 (đạt tỷ lệ 92,8%) bệnh viện do Thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Bên cạnh đó, từ tháng 12/2016, Hà Nội đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí của Thành phố, trên cơ sở đó, triển khai 19 giải pháp tổng thể, như Đề án hạn chế phương tiện cá nhân; trồng 1 triệu cây xanh; hạn chế tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong; không đốt rơm rạ tại các huyện ngoại thành… 
          Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại buổi làm việc
Tuy vậy, báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cũng nêu rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, như khoảng cách thu gom và vận chuyển từ nguồn thải đến nơi xử lý xa, chưa hiệu quả; việc xử lý rác thải vẫn chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, dẫn đến quá tải các khu xử lý rác thải tập trung. Lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng phát sinh, còn lại 70% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý. Trong khi hạ tầng thu gom nước thải còn thiếu đồng bộ, chưa tách riêng được nước thải và nước mưa; tiến độ triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt còn chậm và chưa có cơ chế đặc thù để thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Về công tác quản lý đất đai, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 01/9/2016; UBND Thành phố có Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/5/2016 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lũy kế đến 20/4/2020, toàn Thành phố đã thực hiện đăng ký kê khai đất đai lần đầu đối với 1.551.951 thửa (đạt 100%), trong đó: đã cấp giấy chứng nhận được 1.355.510 thửa/1.355.510 thửa đủ điều kiện, đạt 100%; thực hiện đăng ký đất đai lần đầu với 196.441 thửa đất chưa cấp được giấy chứng nhận do có tồn tại, vướng mắc. 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Hà Nội nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ, Bộ TN&MT liên quan đến việc sửa đổi một số luật, nghị định để thống nhất quản lý, khắc phục những vướng mắc; ban hành cơ chế đặc thù, đặc biệt là xây dựng đơn giá xử lý nước thải nhằm thu hút xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Trong lĩnh vực quản lý đất đai và GPMB, Hà Nội kiến nghị được thực hiện cơ chế đặc thù khi GPMB như Thành phố Hồ Chí Minh; phân cấp cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên nhằm giảm bớt thủ tục hành chính. Ngoài ra, Hà Nội cũng kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh./.