Cung cấp thông tin lập đề án “hoàn thiện CSDLTN&MT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, Các bộ, ngành”

31/07/2019
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về lập Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các Bộ, ngành” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Văn bản số 3499/BTNMT-CNTT gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị cung cấp thông tin lập Đề án “Hoàn thiện CSDLTNMT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các bộ, ngành”.
Bên cạnh việc đề nghị cho ý kiến về Đề án, Bộ đề nghị các địa phương cung cấp nhu cầu cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng và khả năng tích hợp, kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường qua Phiếu khảo sát tại Phụ lục 02 theo danh mục thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tại Phụ lục 03 gửi kèm theo Công văn này.
Ngành tài nguyên và môi trường là ngành thực hiện quản lý nhà nước, hoạt động chuyên ngành gồm 9 lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo và viễn thám. Là ngành quản lý “không gian phát triển” của đất nước, gồm trên không, bề mặt (mặt đất, mặt biển), dưới lòng đất, dưới mặt biển, đáy biển... Mọi hoạt động điều tra cơ bản, quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của ngành đều dựa trên kết quả thu nhận, phân tích, xử lý, tổng hợp thông tin, dữ liệu. Thông tin của ngành bao trùm toàn bộ không gian bốn chiều (theo lãnh thổ, theo thời gian). Xây dựng được một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện về tài nguyên và môi trường trên cơ sở tích hợp, kết nối, liên thông và cơ chế để khai thác, tiếp cận, chia sẻ, sử dụng, phân tích, xử lý và tham gia đóng góp một cách rộng rãi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong phát triển Chính phủ điện tử, hướng ngành tài nguyên và môi trường số, Chính phủ số, xã hội số.
Mục tiêu của Đề án “Hoàn thiện CSDLTNMT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương, các bộ, ngành” nhằm hoàn thiện hệ thống CSDL tài nguyên môi trường với mô hình, công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, do anh nghiệp, cộng đồng; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu.
Cụ thể Đề án sẽ hoàn thiện khung pháp lý thống nhất về quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu tài nguyên môi trường bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ và có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả; về kết nối, chia sẻ dữ liệu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường với các HTTT/CSDL của các bộ, ngành, địa phương; Thiết lập môi trường tích hợp, kết nối, liên thông CSDL tài nguyên và môi trường với các HTTT/CSDL của các địa phương, bộ, ngành trên cơ sở các nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến, điện toán đám mây, mô hình quản lý dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI) ... bảo đảm cung cấp đủ hạ tầng tính toán, phân tích, kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên môi trường trên phạm vi toàn quốc; Hoàn thiện CSDL tài nguyên và môi trường trong đó ưu tiên hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu có tính mở, trên phạm vi toàn quốc bảo đảm kết nối, liên thông với các HTTT/CSDL của các địa phương, Bộ, ngành; Xây dựng nền tảng, cơ chế tiếp cận, khai thác, chia sẻ, sử dụng và phân tích, xử lý phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, hướng ngành tài nguyên và môi trường số, Chính phủ số, xã hội số.
Các nội dung công việc chủ yếu của Đề án bao gồm (i) Xây dựng hoàn thiện khung pháp lý: Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kết nối, liên thông CSDL TNMT với các CSDL/HTTT của các địa phương, bộ, ngành; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên môi trường. (ii) Xây dựng nền tảng kết nối liên thông CSDL TNMT: Xây dựng mô hình tổng thể CSDL TNMT kết nối liên thông với CSDL/HTTT của các địa phương, bộ, ngành; Xây dựng các dịch vụ kết nối CSDL TNMT; Xây dựng hệ thống thu nhận, phân tích, xử lý, kết nối chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên môi trường; Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung cấp đủ hạ tầng tính toán, phân tích, kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên môi trường trên phạm vi toàn quốc. (iii) Xây dựng hoàn thiện CSDL TNMT.
Theo monre.gov.vn 26/7/2019