Xây dựng, Phát triển và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia Việt Nam

12/11/2018
Xem cỡ chữ - + Đọc bài viết

Hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) phát triển ở một quốc gia dưới dạng hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) là công cụ trợ giúp trực tiếp vào xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. NSDI ở mỗi quốc gia là cơ sở để xây dựng SDI toàn cầu - công cụ thông tin trợ giúp tích cực cho con người quyết định chính xác về những bước phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Trái đất.
Tình hình xây dựng, phát triển và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc xây dựng dữ liệu không gian và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian được đặt ra khá sớm. Năm 1996, Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã bắt đầu lập Dự án khả thi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên đất, bao gồm CSDL địa lý và CSDL đất đai. Dự án được Chính phủ phê duyệt năm 1998, bắt đầu triển khai năm 1999, là một trong 7 CSDL quốc gia được phê duyệt vào thời điểm đó. Từ năm 2006, công tác xây dựng dữ liệu đo đạc bản đồ cơ bản và dữ liệu địa chính được đẩy mạnh, bắt đầu xây dựng chuẩn nội dung dữ liệu và đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật phát triển NSDI ở Việt Nam.
Về nghiên cứu phát triển NSDI, nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng hạ tầng kỹ thuật thông tin địa lý phục vụ hợp tác giải quyết một số vấn đề cơ bản về khoa học trái đất trên lãnh thổ Việt Nam, khu vực và toàn cầu; Nghiên cứu chiến lược phát triển hạ tầng thông tin không gian quốc gia cho Việt Nam.
Về chính sách, pháp luật, Dự án khả thi xây dựng CSDL quốc gia về tài nguyên đất bao gồm CSDL địa lý và CSDL đất đai; Dự án xây dựng CSDL quốc gia về đất đai - CSDL quốc gia giai đoạn 2010 - 2020;         Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ đến năm 2020; Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018.
Về tổ chức, thể chế, Nghị định về hoạt động Đo đạc và Bản đồ; Nghị định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016) có nhiệm vụ “Xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác hạ tầng dữ liệu không gian địa lý”, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trở thành Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.
Về xây dựng dữ liệu, Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia bao gồm số liệu gốc của hệ toạ độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia, hệ trọng lực quốc gia;      Hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia bao gồm số liệu của mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, các trạm DGPS quốc gia, các trạm DGPS chuyên dụng.
Về công nghệ, công nghệ định vị vệ tinh GNSS phục vụ xây dựng các loại lưới tọa độ và đo tọa độ của các điểm chi tiết, các đối tượng động; Công nghệ toàn đạc điện tử, thủy chuẩn điện tử để đo các loại lưới tọa độ, độ cao, các điểm chi tiết và đo vẽ bản đồ tỷ lệ lớn; Công nghệ bay chụp ảnh mặt đất từ máy bay bằng máy chụp ảnh quang học có gắn thiết bị định vị tâm ảnh bằng GPS; Công nghệ LiDAR (Light Detecting And Ranging) - kết hợp giữa công nghệ đo dài bằng lazer, công nghệ định vị vệ tinh và công nghệ ảnh số -  nhằm nghiên cứu, xác định chính xác bề mặt thực của trái đất bao gồm cả địa vật trên nó trong không gian 3D; Công nghệ xử lý tráng rửa phim ảnh và tạo ảnh số độ phân giải cao; Công nghệ số đo vẽ ảnh hàng không, vệ tinh để thành lập bản đồ địa hình, bản đồ nền, bản đồ địa chính và các loại bản đồ chuyên đề; Công nghệ tự động đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển bằng các máy siêu âm đơn tia, đa tia, hệ thống quét sườn (Side Scan Sonar) và định vị  GPS, DGPS được lắp đặt trên tầu; Công nghệ tổ chức cơ sở dữ liệu địa lý, cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống thông tin đất đai (LIS); Công nghệ số phục vụ thành lập, biên tập, tổng hợp, hiện chỉnh và chế bản các loại bản đồ; Công nghệ ảnh viễn thám: từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Pháp để xây dựng Trạm thu nhận và xử lý ảnh vệ tinh phục vụ mục đích giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có mục đích đo đạc và bản đồ;   Công nghệ mô phỏng phục vụ đào tạo, huấn luyện, tham mưu tác chiến trong quân đội;    Công nghệ quét laser 3 chiều mặt đất trong các lĩnh vực xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, xây dựng công trình giao thông, khảo sát cơ bản, xây dựng mô hình mô phỏng theo yêu cầu, khảo sát hang động, bảo tồn di sản.
Về chuẩn, đã ban hành được một số chuẩn như: chuẩn thông tin địa lý cơ sở; chuẩn dữ liệu nền địa lý; chuẩn dữ liệu địa chính; chuẩn địa danh thể hiện trên bản đồ.
Về đầu tư, tổng kinh phí đầu tư hàng năm cho thu thập dữ liệu không gian khung là 74 triệu USD, cho hệ thống mạng là 1 triệu USD và cho thiết bị và công nghệ là 2 triệu USD (không bao gồm đầu tư cho hạ tầng chung của công nghệ ICT).
Phương hướng xây dựng, phát triển và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia Việt Nam
Luật Đo đạc và Bản đồ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ V và có hiệu lực từ 01/01/2019. Luật Đo đạc và Bản đồ có 6 điều quy định về xây dựng, quản lý các thành phần hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia bao gồm: chính sách, tổ chức, thể chế, tiêu chuẩn, công nghệ, dữ liệu và nguồn lực.
Việc xây dựng và phát triển NSDI Việt Nam có các nội dung sau: Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện NSDI; Xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện NSDI; Lựa chọn, phát triển công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về NSDI; Xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý; Xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam và các ứng dụng, dịch vụ dữ liệu không gian địa lý.
Trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý NSDI được quy định cụ thể như sau: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối việc xây dựng NSDI. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện NSDI trình Chính phủ phê duyệt; tổ chức tích hợp dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai chiến lược phát triển, kế hoạch thực hiện NSDI. Tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, phát triển dữ liệu không gian địa lý.
Việc xây dựng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là xây dựng, phát triển, hoàn thiện và cập nhật các nhóm dữ liệu như: Dữ liệu về hệ thống các điểm gốc đo đạc quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia; Dữ liệu nền địa lý quốc gia, dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia; Dữ liệu ảnh hàng không, dữ liệu ảnh viễn thám; Dữ liệu bản đồ chuẩn biên giới quốc gia; Dữ liệu bản đồ địa giới hành chính; Dữ liệu địa danh;
Về dữ liệu chuyên ngành bao gồm các nhóm cơ bản như: Dữ liệu địa chính; Dữ liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Dữ liệu bản đồ điều tra, đánh giá tài nguyên nước; Dữ liệu bản đồ địa chất, khoáng sản; Dữ liệu bản đồ thổ nhưỡng; Dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng; Dữ liệu bản đồ hiện trạng công trình ngầm; Dữ liệu bản đồ hàng không dân dụng; Dữ liệu hải đồ vùng nước cảng biển, luồng, tuyến hàng hải, vùng biển; Dữ liệu bản đồ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Dữ liệu bản đồ giao thông; Dữ liệu bản đồ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; Các nhóm dữ liệu bản đồ chuyên ngành khác.
 
Theo monre.gov.vn 26/10/2018