Câu hỏi thường gặp

: nguyengiathu41@gmail.com Thủ tục tách sổ đỏ khi người bán cố tình không chịu làm thủ tục tách sổ đỏ cho người mua. Con gái tôi mua 120m2 đất của một gia đình tại xóm Đìa, xã Nam Hồng đã được cấp sổ đỏ. Trên phần đất của chúng tôi có ba gian nhà của chủ cũ, một phần sân vườn. Giấy tờ giao dịch được ông chủ tịch UBND ký chứng thực, vì tin người chủ bán đất, con gái tôi đã trả hết tiền cho người chủ, đồng thời nghe ông ta hứa là sẽ sang tên cho chúng tôi, mà không qua công chứng. Sau khi giao dịch xong giữa hai người, giấy tờ giao dịch đã được cả gia đình chủ đất cũ, từng người ký tên, có các chủ đất liền kề ký xác nhận. Khi trả tiền xong chủ đất cũ đã giúp chúng tôi xây tường ngăn cách phần đất của chúng tôi với chủ đất cũ, mở cổng đi riêng cho chúng tôi. Từ đó đến nay chúng tôi đóng thuế sử dụng đất trên phần đất của con gái tôi đã mua. Rất nhiều lần chúng tôi đề nghị họ tách sổ đỏ cho con gái tôi, nhưng hộ không chịu làm thủ tục tách sổ, gây khó khăn cho chúng tôi. Kính mong Sở TNMT hướng dẫn cho chúng tôi làm các thủ tục để tách sổ đỏ cho minh. Xin chân thành cảm ơn!
Văn phòng Đăng ký đất đai HN trả lời:
Tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định thẩm quyền giải quyền tranh chấp đất đai, như sau:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
- Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
- Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.